Kẹo cu đơ Hà Tĩnh

Nếu như ở Thanh Hóa có bánh gai, ở Quảng Ngãi có kẹo gương thì ở Hà Tĩnh có kẹo cu đơ. Một đặc sản khiến bao người con của quê hương “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”, hay khách thập phương đã từng một lần được nếm thử thì khó có thể quên.

Theo những người già kể lại thì nghề làm kẹo đã có ngót đến 40 năm rồi. Nó xuất phát từ nhu cầu mưu sinh của những người dân trong làng. Ban đầu chỉ một vài nhà làm kẹo lạc cùng với mật mía để bán cho bọn trẻ con. Rồi dần dần khi những người nông nhân đi làm đồng về mệt ngồi uống bát chè xanh và thanh kẹo lạc mật, thấy ngon và bùi. Cái nghề kẹo Cu đơ cũng từ đó mà phát triển. Cùng với thời gian, nhu cầu thưởng thức kẹo của người dân được nâng lên. Công thức làm kẹo bắt đầu cải tiến. Từ nguyên liệu, gia vị rồi đến quy trình… Chất lượng kẹo ngày càng được nâng lên. Ngày nay, nó đã trở thành một món ngon không thể thiếu mỗi khi có khách phương xa về Hà Tĩnh.

Để có được hương vị vừa thơm bùi vừa giòn tan lại không quá khô cứng của những thanh kẹo là cả một quá trình. Quan trọng nhất vẫn là cách chọn lựa nguyên liệu. Nguyên liệu để nấu một mẻ kẹo Cu đơ chỉ gồm đường, mật, lạc, mạch nha, dầu chuối… Song để kẹo thơm ngon thì đầu tiên phải chọn được loại lạc hạt to, trồng trên đất cát Diễn Châu. Vì loại lạc này có độ béo ngậy hơn những loại lạc khác. Rồi đường làm kẹo phải là đường trắng sạch, mật phải là mật mía đường có độ sánh đặc. Thao tác đầu tiên là đun sôi hỗn hợp mạch nha và mật mía, rồi cho một lượng vừa đủ đường trắng, sau đó cho tiếp lạc nhân vào nồi và bắt đầu khấy đều bằng tay hoặc bằng máy (tùy vào từng gia đình), đến khi nào lạc sôi có tiếng nổ lép bép hoặc thấy bọt sủi lên nhỏ tăm. Có gia đình thử bằng kinh nghiệm khi nhúng đầu đũa vào nồi, nêm thấy giòn tan trong miệng là được. Tắt lửa, nhấc nồi ra và cho vào một lượng nhỏ thuốc muối khuấy đều sẽ làm tăng thêm độ xốp và trắng cho thanh kẹo. Khi ăn kẹo sẽ giòn mềm mà không bị khô cứng. Và mẻ kẹo chỉ đạt chất lượng khi làm xong có màu vàng óng gần như tơ tằm.

xứ Hà Tĩnh, như đã thành một nét văn hóa, một nếp sinh hoạt thường ngày. Vào mỗi buồi trưa hè hay mùa đồng giá rét. Nhà nào có ấm chè xanh ngon là lại gọi hàng xóm sang góp vui. Chủ nhà không quên sắm thêm đĩa kẹo Cu đơ. Cũng từ đó, biết bao câu chuyện làng chuyện xóm, chuyện học hành của những đứa trẻ được bàn luận rôm rả. Tình làng nghĩa xóm càng trở nên khăng khít.

Cái ngon cái độc đáo của món ăn này chính là một chút ngọt của đường trắng và mật mía, rồi vị béo ngậy của những hạt lạc, hương thơm nồng của mạch nha, dầu chuối, vị chát chát của bát nước chè xanh…Tất cả quện vào nhau. Thấm tê nơi đầu lưỡi, để lại cho người thưởng thức một cảm giác khó tả. Cái hương vị rất riêng mà không thể gọi thành tên.