Đi phượt khám phá đặc sản Hà Giang

Lâu nay, tỉnh Hà Giang- điểm cực Bắc của nước ta luôn là nơi thu hút những bạn trẻ yêu phượt vì nơi đây có những cảnh đẹp khó có ai có thể cưỡng lại được. Nhắc đến Hà Giang đó là nhắc đến Cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, Mèo Vạc với chợ tình Khau Vai nổi tiếng, hay những cánh đồng hoa tam giác mạch, cánh đồng hoa cải vàng ươm cả một góc trời, và say sưa với những bông hoa mận mơ trắng muốt. Nhắc đến Hà Giang, người ta cũng nhắc đến vô vàn món ăn ẩm thực làm đắm lòng thực khách, khi đã thử thì chỉ muốn ở đừng về nữa mà thôi.

Là vùng đất cực Bắc của Tổ quốc, nơi tập trung sinh sống của khoảng 22 dân tộc, vì thế mà vùng đất này mang những nét văn hóa riêng biệt được gửi gắm trong từng món ăn.

Thắng dền

Đi phượt khám phá đặc sản Hà Giang

Món ăn được làm từ bột nếp, có hình dáng như những chiếc bánh trôi nhưng nhỏ hơn, khoảng to hơn đốt ngón tay một chút, có thể có nhân đỗ hoặc không. Những chiếc bánh được thả trong bát nước đường ngọt sệt với nước cốt dừa và những lát gừng thơm, cay. Đây là món ăn chơi củng những người dân Hà Giang trong những ngày giá sét, mưa phùn.Những bát thắng dền được thêm những hạt lạc rang vàng giòn, đây đích thị là đặc sản của Hà Giang.

Rêu nướng

Là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân tộc Tày, xã Xuân Giang, Hà Giang. Món ăn giúp chữa bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, và nhiều lợi ích khác. Món ăn có hương vị rất riêng.

Đi phượt khám phá đặc sản Hà Giang

Rêu lấy ở khe suối đá đem về rửa sạch vò cho hết nhớt, sau đó được xé tơi và tẩm gia vị xong được người dân cho vào chiếc lá dong gói lại và cột chặt bằng lạt tre. Rêu được nướng trên lửa than, lật qua lật lại cho rêu chín đều. Khi rêu mềm và dậy mùi thơm là có thể lấy ra ăn được rồi.

Nói về món rêu nướng, đây là món ăn độc lạ, hương vị khác biệt chỉ có thể tìm thấy ở Hà Giang.

Xôi ngũ sắc

5 món xôi mang những màu sắc khác nhau, khi kết hợp cùng nhau mang ý nghĩa biểu trung cho sự thống nhất, đoàn kết, khi được tách riêng ra, mỗi màu xôi lại mang một ý nghĩ riêng biệt.

Những hạt nếp dùng để đồ xôi được tuyển chọn kỹ lưỡng, đó là loại gạo nếp thơm, dẻo do chính người dân ở đây trồng ra và sinh trưởng nhờ tinh hoa của vùng đất này.

Đi phượt khám phá đặc sản Hà Giang

Xôi ngũ sắc thường có 5 màu chính là: xanh, vàng, đỏ, tím trắng. Màu sắc của mỗi gói xôi đều được nhuộm màu thiên nhiên. Màu xanh là màu của lá cây gừng non, màu vàng là màu của nghệ già được giã nhuyễn, màu đỏ là màu của gấc, màu tím là màu của một loại nếp đen tương tự như nếp cẩm nhưng hạt nếp to chắc hơn, còn màu trắng không được nhuộm màu.

Cháo ấu tẩu

Nằm ở vùng núi cao, thời tiết thường giá lạnh, nên người dân ở đây thích thưởng thức những món ăn nóng ấm giúp giữ nhiệt tốt. Một nồi cháo ấu tẩu thơm ngon, béo bùi và bốc khói nghi ngút làm ấm lòng người.

Những ai đã từng lên Hà Giang mà chưa ăn thử món ăn này thì đúng là một sai sót lớn. Còn nếu rồi, bạn có nhớ cái vị đăng đắng đầu lưỡi khi mới thưởng thức món ăn này không, vị thơm dẻo của những hạt lúa nương, vị béo ngậy, bùi bùi của củ ấu tẩu thêm miếng chân giò lợn được ninh nhừ ngọt nước, nhắc đến là lại thèm rồi.

Lợn cắp nách

Đi phượt khám phá đặc sản Hà Giang

Món này nghe lạ này. Đây cũng là một món ăn đặc trưng mang hương vị riêng của vùng đất cực Bắc này. Những chú lợn nơi đây được thả rông, ít được chăm sóc nên chúng nhỏ, nhiều nạc và có thể dễ dàng cắp nách ôm đi nên người ta thường gọi là lợn cắp nách.

Thịt lợn chắc, dai, thơm ngon và không có mỡ nên không béo, không ngán khi ăn. Với loại thịt lợn này có thể được chế biến nhiều món ăn ngon đặc biệt là món thịt bụng để nguyên xương sườn đem hấp cách nhiệt giữ nguyên mùi vị, được chấm với lá nhội dã nhỏ trộn ớt xanh. Hoặc cũng có thể làm thành các món nướng, hấp, xào tùy sở thích của thực khách.

Cơm lam Bắc Mê

Nhắc đến cơm lam là nhắc đến những ống tre, ống nứa trong đó chứa đầy ụ những hạt cơm thơm dẻo được nướng trên than lửa hồng. Đây là món ăn dân dã hằng ngày của người dân Hà Giang, họ mang lên rừng, lên rẫy để ăn vừa ngon vừa thuận tiện.

Cơm lam Bắc Mê không khó để làm. Những hạt gạo nếp ngon nhất được chọn ngâm kỹ trong nước, sau đó vo sạch và thêm 1 ít muối hạt. Những ống tre nứa trên núi khi lấy về được chặt bỏ một đầu rồi đổ gạo nếp vào, sau đó là đổ nước ngang mặt nếp, bịt đầu còn lại bằng nút lá dong hoặc nút lá chuối. Sau một giờ nướng ống cơm lam trên bếp than hồng là bạn có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị món ăn đặc sản núi rừng này rồi.

Bánh cuốn Đồng Văn

Thoạt nhìn, bánh cuốn Đồng Văn không khác bao nhiêu so với những loại bánh cuốn thông thường khác. Nhưng chỉ có khi ngồi vào thưởng thức và nhìn cách những người đầu bếp thể hiện mới hiểu được vì sao món ăn này lại nổi tiếng được đến như thế.

di-phuot-kham-pha-dac-san-ha-giang

Những chiếc bánh cuốn được tráng mỏng, màu trắng và rất mịn, dậy lên mùi thơm của lúa nương. Lấy một gáo bột láng đều lên mặt vải, đậy nắm 1 lúc chờ cho bột chín, sau đó nhẹ nhàng hớt bánh ra mâm rồi cho thịt và mộc nhĩ bằm nhuyễn lên bánh rồi cuộn lại. Bánh sau khi cuốn được cắt ra và ăn cùng với nước dùng. Nước dùng cũng là một điểm đặc biệt của món ăn vùng cao nguyên đá này. Tô nước dùng ngọt từ xương hầm có cho thêm hành phi dậy mùi, trong tô nước dùng còn cho thêm miếng chả.

Món ăn này cuốn hút vì độ thơm ngon của nó, những bạn trẻ mê phượt và lỡ phải lòng món ăn này thì cứ không lâu lại chạy lên ghé phổ cổ Đồng Văn gặp lại “người tình cũ” rồi lưu luyến trở về.

Những dịp cuối tuần hoặc dịp lễ, hãy rủ thêm vài người anh em bạn hữu cùng nhau lên Hà Giang một chuyến để thu trọn những cảnh đẹp của rừng núi nơi đây, và nhớ là phải thưởng thức những món ăn trứ danh nơi đây, để khi về không phải hối tiếc nhé.