Chè cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng

Các Thủ đô Hà Nội chỉ 200km, Suối Giàng thuộc tỉnh Yên Bái, nằm trên độ cao gần 1400m, là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Suối Giàng là nơi những người trẻ Thủ đô chọn để tránh nóng. Nơi đây còn đặc biệt nổi tiếng với món chè được lấy từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thức chè thơm ngon, ngọt ngào làm xao xuyến lòng người – chè Shan Tuyết.

Chè cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng

Xứ chè Thái Nguyên, Mộc Châu đầy quyến rũ với những đồi chè bát ngát mang một màu xanh tưởng như trải rộng đến chân trời, thơm ngát và tươi mát. Nhưng lên với Suối Giàng, bạn không có cơ hội bắt gặp hình ảnh lãng mạn như vậy, mà thay vào đó là bạn sẽ bị choáng ngợp bởi những gốc chè cổ thụ 1 người ôm không xuể, thân phủ lớp địa y trắng mốc đến lạ thường.

Không chỉ ở Suối Giàng mới có chè cổ thụ nhưng chỉ Suối Giàng mới có nhiều gốc chè nhất và đó đều là những gốc chè nhiều tuổi nhất. Người ta cứ mãi mê mẫn với những cây chè to lớn, nhiều cành uốn lượn, những đọt chè trên đây búp to hơn, căng mịn. Sở dĩ người ta gọi là chè Shan Tuyết vì những đọt chè sống ở vùng quanh năm mát mẻ, nhiều mây mù, trên mỗi búp chè được phủ một lớp lông nhung màu trắng như tuyết bên ngoài.

Chè cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng

Để hái được những đọt chè Shan Tuyết buộc người ta phải leo lên những cây chè cổ thụ cao để hái. Đến Suối Giàng vào mùa thu hoạch chè, khoảng tháng 8 – 9 âm lịch, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những chàng trai cô gái người Mông xúng xính trong những bộ váy áo truyền thống, mang gùi trên lưng rủ nhau lên rừng hái chè. Những đôi tay thoăn thoắt ngắt từng đọt chè, khéo léo không làm nát mà vẫn giữ nguyên lớp tuyết trắng.

Chè sau khi được hái về sẽ được chọn lọc và cho vào chảo để bắt đầu sao khô. Những công đoạn chế biến chè đều làm bằng thủ công, do chính bàn tay con người ở đây thực hiện một cách tỉ mẫn. Chè mang về không rửa mà được sao liền để giữ lại nguyên hương vị núi rừng, mùi sương gió ở đây. Khi sao chè, lửa củi phải được chú ý, lửa lớn và đều, dùng tay không vào sao liên tục, cố gắng không làm rơi hết những cọng tuyết trắng trên búp chè. Chè được sao đi sao lại nhiều lần, cho đến khi đọt chè săn lại bằng lại đỗ xanh, màu trắng tuyết, giòn và phảng phất mùi thơm thanh cao mới được coi là thành công.

Chè cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng

Chè sau khi sao xong, đến công đoạn pha chè. Pha chè cũng được coi là một nghệ thuật, chè Shan Tuyết phải được pha trong ấn đất nung già, và nước pha chè phải được lấy từ nước suối nguồn trên núi về đun sôi. Chè được chế nước sôi chừng sau 10 phú, khi nước chè đã ngấm thì được rót ra ly làm hai lượt cho nước chè đều màu đều vị và cùng thưởng thức. Thưởng chè Shan Tuyết không nóng vội mà phải nhẹ nhàng, nhấp từng ngụm chè, hít hà bắt trọn mùi chè phả lên nghi ngút, vị đắng khi mới đưa vào miệng và sau đó là vị ngọt thanh cứ mãi quyện nơi cuống họng mãi không tan.

Chè cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng

Hương thơm phảng phất làm say đắm lòng người của chè Shan Tuyết đã đưa chân, dẫn lối cho rất nhiều du khách đến đây chỉ để mong 1 lần thưởng thức hương vị của núi rừng đại ngàn, hương vị của đất trời kết tinh qua hàng trăm năm. Trong tiết trời se lạnh của nơi đây, ngồi bên gian bếp lửa hồng, cùng thưởng trà và kể cho nhau nghe những câu chuyện về núi rừng, về con người chịu thương chịu khó nơi vùng Suối Giàng này rất dễ khiến lòng người tan chảy.

Mùi chè Shan Tuyết thơm lan tỏa làm ngây ngất lòng người.